Có lẽ những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã không còn gì để bàn về chất lượng. Với hàng loạt những tác phẩm đã hằn sâu trong tâm trí mọi lứa tuổi, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành tượng đài sống với những tác phẩm của ông. “Còn chút gì để nhớ” cùng là một trong những tác phẩm đáng nhớ như thế. Đối với cá nhân tôi, tác phẩm này để lại cho người đọc quá nhiều những cảm xúc!
Tác phẩm lấy bối cảnh là Sài Gòn trước năm 1975 với nhân vật chính là Chương, anh thư sinh từ quê lên Sài Gòn học đại học. Cũng giống như bao tác phẩm khác, lối viết ở truyện này khá nhẹ nhàng nhưng rất lôi cuốn người đọc, một khi đã theo mạch truyện thì khó mà dứt ra. Xung quanh Chương nổi bật là bốn người con gái: Quỳnh, Kim Dung, Trâm và Lan Anh.

Quỳnh là người con gái mà Chương rất yêu, yêu đến cuồng si. Đáng nhẽ, cả hai đã phải có một kết thúc có hậu nhưng do tư tưởng đối lập chính trị đã khiến cuộc tình tan vỡ. Cha của Chương trước đây là sỹ quan Sài Gòn, đang phải đi cải tạo. Còn gia đình Quỳnh là cách mạng nòi, bố là Đảng viên. Vì muốn Quỳnh ” có một tươi lai tươi sáng” nên ông đã ép cô bé cắt đứt quan hệ với Chương.
Trâm là chị hai của Quỳnh. Tính cách hai chị em đối lập hoàn toàn. Trâm là một cô gái thẳng tính, sống có bản lĩnh và ý chí. Trong chuyện, Trâm và Lan Anh (em họ của Chương) chính là sợi dây kết nối giữa Chương và Quỳnh.
Ngoài chuyện tình yêu giữa hai nhân vật chính, “Còn chút gì để nhớ” còn chan chứa cả tình bạn giữa Trâm với Chương hay Chương với Kim Dung, tình yêu giữa nhân vật chính và cả tình thân. Tình bạn giữa Bảo, Chương, Kim Dung thật trong sáng và thánh thiện. Họ như những người bạn tri kỉ, chia sẻ mọi buồn vui, giúp đỡ nhau vượt lên trong cuộc sống. Tôi đã từng rất ấn tượng về cảnh Chương ăn cơm với gia đình Quỳnh lúc dạy học cho chị Kim, Trâm và Quỳnh. Nó mang lại cho mình cảm giác rất mới mẻ về hình ảnh con người Sài Gòn ngày đó, rất chân tình và ấm áp, không phân biệt vùng miền.
Đọc cuốn sách người đọc sẽ nhận ra sự tình cờ thú vị rằng nếu trong truyện kể về cuộc đời của Chương từ khi mới 18 tuổi đến tận khi 30 tuổi, thì người đọc cũng nên đọc tập truyện buồn này lần đầu vào năm 18 tuổi, để rồi những năm 20, và bây giờ là 24 tuổi mình đều đọc lại, và mỗi lần đọc chắc chắn người đọc sẽ đều chìm đắm vào những cảm xúc rất khác nhau.
Khi đọc Còn Chút Gì Để Nhớ vào năm 18 tuổi, có lẽ ai cũng sẽ mơ mộng mình sẽ có một cuộc sống đại học xa nhà như Chương ở phần đầu: dọn đến thành phố, làm quen và phải lòng với một “cô láng giềng”. Và dĩ nhiên sẽ chẳng ai mong có một cái kết đau buồn như nhân vật chính trong câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh đã viết nên…

Tôi đã từng có những suy nghĩ và mơ tưởng như vậy khi lần đầu đọc quyển sách. Rồi khi đọc lại ở tuổi 20, tôi lại đồng cảm với Chương thêm nhiều điểm, những rung động, những niềm vui, và cả những lúc rối bời trước một tình cảm không biết gọi tên.
Rồi đến ngày khi chúng ta trưởng thành, đọc lại Còn Chút Gì Để Nhớ. Trước hết là để hoài niệm về những ngày tuổi thơ sống giữa xóm giềng, hay một thời sinh viên dẫu chưa xa lắm, và để thấy mình cuối cùng đã đi theo Chương hết cả một đoạn đường dài. Từ những rung động ban đầu, những tháng ngày hạnh phúc, đến cả chuỗi ngày nặng nề khi tình cảm bị phản bội về sau. May mắn thay, khi Chương dừng lại với câu hỏi “còn chút gì để nhớ”, thì mình đã có may mắn bước tiếp.
Đọc là một quyển sách sau nhiều năm, dù cái kết đã biết rõ, vẫn thấy có nhiều cảm xúc và thậm chí hồi hộp và lo âu khi đến những chương cuối cùng. Một quyển sách hay là khi mỗi lần đọc lại nó, ở những thời điểm khác nhau, ta lại có những cảm nhận và chia sẻ mới về nó.
Còn Chút Gì Để Nhớ in lần đầu năm 1988, nhưng bao giờ đọc lại cũng thấy cuốn hút.
Còn chút gì để nhớ chứa đựng những tình cảm thật trong sáng từ tình cảm gia đình, tình làng xóm, tình bạn và tình yêu đôi lứa. Thành thật mà nói, tôi không biết bây giờ, giữa cuộc sống xô bồ và vội vã liệu có còn tồn tại những thứ tình cảm đẹp đẽ đến thánh thiện như vậy nữa hay không? Nhưng chắc chắn rằng tình yêu không bao giờ kết thúc, người tốt không bao giờ hết
Cùng đọc truyện và mơ mộng hoặc hồi tưởng về một tình yêu trong trẻo, thánh thiện. Ai rồi cũng sẽ thấy một phần tuổi trẻ mình trong đó